Bình ổn giá: Những câu hỏi chưa có lời giải - Giá thị trường: lợi nhiều hơn mất (phần 3)

Xuân Phú- Thanh HươngBáo Công Thương
10:14' SA - Thứ tư, 29/12/2010

Cập nhật: 9:00:00 29/12/2010

Câu hỏi đặt ra là, liệu các tập đoàn Nhà nước sẽ tiếp nhận việc điều hành giá theo cơ chế thị trường như thế nào, họ có chấp nhận không và nếu chấp nhận thì tình hình giá cả của năm 2011 sẽ ra sao?

CôngThương - Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã rất vất vả khi chứng minh rằng mình đang có một nền kinh tế thị trường. Nhưng, cho dù đã tiến hành hàng loạt cải cách cả trên phương diện văn bản pháp lý lẫn điều hành thực tế, vẫn còn đó nhiều đối tác chưa công nhận điều này. Ví dụ cụ thể nhất là trong một số vụ kiện bán phá giá, Việt Nam thường thua thiệt hơn do không được thừa nhận là một nền kinh tế thị trường.

Trong nhiều cuộc họp quan trọng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn khẳng định, tiến tới sẽ điều hành các mặt hàng thiết yếu điện, nước, xăng dầu, than… theo giá thị trường. Vì thế, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP chuyển cơ chế kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, theo đó, cho phép DN tự định giá. Đây thực sự là cuộc cách mạng. Tuy nhiên, nghị định chỉ mới thực hiện đúng 2 tháng đã phải dừng lại, bởi khi thực hiện theo thị trường, giá trong nước sẽ được điều chỉnh theo giá thế giới. Vậy là vấp phải đủ mọi khó khăn, dư luận cho rằng giá xăng dầu tăng tại thời điểm sau tết là rất nhạy cảm, là “tội đồ” gây ra biến động giá cả, nào là DN chỉ biết tăng giá, không giảm giá, nào là CPI tăng cao nên buộc các mặt hàng thiết yếu không được tăng giá…

Lẽ ra, đây là lần đầu tiên thực hiện giá thị trường đối với mặt hàng quan trọng Chính phủ cần kiên quyết, nhất quán thực hiện thành công cơ chế mới thông qua việc giám sát cơ chế, nếu DN làm sai thì phải “thổi còi” chấn chỉnh. Tuy nhiên, cuối cùng do sức ép dư luận, do phải kiềm chế lạm phát nên việc thực hiện Nghị định 84 lại một lần nữa “bế tắc”, cùng chung số phận với các Quyết định 87, Nghị định 55 trước đây.

Với việc tiếp tục điều hành giá bằng các văn bản hành chính, cũng như áp dụng giá không theo mặt bằng giá thế giới như đối với mặt hàng than, điện, xăng dầu hiện nay, hành trình để chứng minh rằng Việt Nam đang có một “nền kinh tế thị trường” thật sự hẳn còn rất dài. Và nếu tình trạng kinh tế thị trường không triệt để cứ tiếp diễn thì hết kỳ họp Quốc hội này sang kỳ họp Quốc hội khác, Chính phủ sẽ luôn phải trả lời chất vấn về điện, than, xăng dầu... vì những tồn tại, những câu hỏi về bình ổn giá, về giá thị trường vẫn chưa được giải quyết.


Thay vì cái vòng luẩn quẩn hàng năm phải kiềm chế lạm phát bằng việc giữ giá, y vì mỗi năm các DN xăng dầu, điện, than, thép xây dựng… lỗ kinh doanh chính hàng ngàn tỷ đồng để lo bình ổn giá bằng việc Chính phủ kiên quyết thực hiện giá thị trường các mặt hàng thiết yếu và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo thì hiệu quả hơn, thị trường hơn. Nhưng câu hỏi ở đây là liệu Nhà nước có đủ dũng cảm để hiện thực hóa tinh thần của Thông báo số 244/TB-VPCP và đề án điều hành giá theo cơ chế thị trường đang soạn thảo vào thực tế cuộc sống hay không, nhất là trong bối cảnh giá cả vẫn leo thang mỗi ngày và gây áp lực lên toàn bộ đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN?

Câu hỏi khác là liệu các tập đoàn Nhà nước sẽ tiếp nhận việc điều hành giá theo cơ chế thị trường như thế nào, họ có chấp nhận không và nếu chấp nhận thì tình hình giá cả của năm 2011 sẽ ra sao?

Một số báo cáo nghiên cứu hay bài viết gần đây của các tổ chức nghiên cứu hay chuyên gia kinh tế nước ngoài đã cảnh báo Việt Nam về tình trạng kinh tế thân hữu (crony economy) cũng như tác động của các nhóm lợi ích khác nhau trong quá trình hoạch định chính sách. Câu chuyện phải hy sinh quyền lợi của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để bình ổn giá sẽ còn là chủ đề gây nhiều tranh luận trong thời gian tới nếu chưa thực hiện thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu. Trong bối cảnh đó, đề án điều hành giá theo cơ chế thị trường sẽ được chờ đợi như là một phép thử cho quyết tâm của Nhà nước trên bước đường “thị trường hóa” nền kinh tế Việt Nam.

Thực hiện thị trường hóa, các DN nhà nước có thể “sốc” trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn về lâu dài, các nền tảng thị trường cơ bản phải được thiết lập để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế có thể cạnh tranh đàng hoàng và minh bạch với nhau!

Xuân Phú- Thanh Hương

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn