Đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm

Bảo NgọcBáo Công thương
03:52' CH - Thứ ba, 01/10/2019

Thời điểm cuối năm, nhu cầu nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… được dự báo tăng cao. Trước thực tế trên, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã và đang nỗ lực chuẩn bị nguồn cung, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu.

Cuối năm, mặt hàng nào "sốt"?

Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9 diễn ra mới đây, bà Tạ Thị Thu Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho hay, do dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát nên tính đến 17/9, cả nước đã tiêu hủy hơn 5 triệu con lợn, tương đương hơn 290.000 tấn, làm nguồn cung thịt lợn trên thị trường sụt giảm mạnh, tương đương với 7% tổng đàn lợn của cả nước.

Petrolimex đã chuẩn bị các phương án nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo đủ nhu cầu trong nước

Nguồn cung giảm đã khiến giá thịt lợn tăng cao. So với cuối tháng 7/2019, hiện giá lợn tại nhiều tỉnh, thành phố tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/kg lên khoảng 35.000 - 47.000 đồng. Bên cạnh đó, Trung Quốc – thị trường chung đường biên giới với Việt Nam cũng đang thiếu hụt thịt lợn, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam tăng cao.

Để đảm bảo đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng trong nước, trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn đã tăng mạnh với khối lượng 11.658 tấn (tương đương 145.000 con) với kim ngạch 22,1 triệu USD, cao gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với mặt hàng thịt lợn, nguồn cung xăng dầu cũng gặp khó khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch bảo dưỡng vào cuối năm. Theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp ngành xăng dầu phấn đấu hoàn thành kế hoạch, cộng với nhu cầu tăng cao vào dịp lễ, tết, cuối năm nên sản lượng sẽ tăng. Trong khi đó, mới đây, Tập đoàn Dầu khí lớn nhất của Ả rập Xê út là Aramco - nhà cung cấp lượng xăng dầu rất lớn cho các nhà máy khu vực châu Á đã bị đánh bom khủng bố, gây áp lực lên nguồn cung, giá nhập khẩu xăng dầu đã tăng rất cao.

Đa dạng nguồn hàng

Nhìn trước những khó khăn sẽ phải đối diện trong những tháng cuối năm, thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa các tháng cuối năm, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Cụ thể, với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tái đàn ở các khu vực hết dịch. Đồng thời, đa dạng hóa nguồn cung các sản phẩm thay thế. Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng cả nước kiểm dịch 24/24h, tránh tình trạng kinh doanh, vận chuyển lợn bệnh vào tiêu thụ.

Về phía các địa phương, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, hiện nay dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại Hà Nội. Cùng với Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn mọi năm nên để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho dịp Tết, đặc biệt là nguồn cung thịt lợn, thành phố đã phối hợp các tỉnh, thành phố lân cận ký kết cung ứng thịt lợn. Trong trường hợp khó khăn, sẽ tiếp tục tổ chức ký kết với các doanh nghiệp giết mổ để đảm bảo nguồn cung đưa ra thị trường. Đồng thời, tuyên truyền để người tiêu dùng trên địa bàn thành phố thay đổi thói quen, dùng thêm các loại thịt khác để thay thế một phần cho thịt lợn.

Về mặt hàng xăng dầu, đại diện Petrolimex cho hay, dù nguồn cung gặp khó khăn nhưng đến nay, Petrolimex đã chuẩn bị các phương án nhập khẩu để đảm bảo đủ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, khi giao dịch nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ phải mua ngoại tệ rất nhiều. Cho nên, Petrolimex mong muốn các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo đủ ngoại tệ cho nhập khẩu, từ đó ổn định nguồn cung xăng dầu.

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn