Giá dầu lại tăng, vượt ngưỡng 100 USD mỗi thùng

Vietnamplus
04:18' CH - Thứ ba, 08/02/2011

07/02/2011 | 18:48:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giá dầu trên thị trường thế giới hôm nay (7/2) đã tăng trở lại, vượt ngưỡng 100 USD/thùng, chủ yếu do tâm lý lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập sẽ lan rộng sang các nước ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ảnh hưởng tới nguồn cung dầu mỏ.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Ba đã tăng 81 xu lên 100,64 USD/thùng, gần bằng mức cao kỷ lục trong hơn hai năm qua (103,37 USD/thùng) hồi tuần trước.

Trước đó, các chuyên gia đã nhận định rằng do những bất ổn tại khu vực này, giá dầu sẽ tăng mạnh lên trên 110 USD/thùng, thậm chí xa hơn là 200 USD/thùng nếu kênh đào Suez bị đóng cửa.

Tình hình căng thẳng tại Ai Cập là lý do chính khiến dầu mỏ thế giới tăng giá. Giới phân tích cho rằng khó có thể dự đoán được tình hình trên chính trường Ai Cập, trong khi không loại bỏ nguy cơ bất ổn lan rộng ra khu vực. Vì vậy, những lo ngại gia tăng về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ là có cơ sở.

Tuy nhiên, chính quyền Iran, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cho rằng không cần thiết phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp của OPEC, kể cả trong trường hợp giá dầu vượt lên mức 120 USD/thùng.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giá dầu thế giới vượt trên mức 90 USD/thùng sẽ cản trở đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng.

Ai Cập kiểm soát kênh đào Suez và đường ống dấn dầu Suez-Địa Trung Hải, nơi trung chuyển tới hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Năm 2009, hơn 34.000 tàu thuyền đã đi qua kênh đào Suez, trong đó có hơn 2.700 tàu chở dầu, chuyên chở khoảng 29 triệu tấn dầu tới mọi miền thế giới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela mới đây đã cảnh báo rằng, nếu kênh đào này bị đóng cửa, giá dầu thế giới có thể leo lên mức 200 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Vietnamplus
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn